Biến nội sinh, ngoại sinh : định nghĩa, ví dụ

Giới thiệu về biến nội sinh, ngoại sinh:

Khi chạy các mô hình kinh tế, nhất là các mô hình GMM thì việc quan trọng là phải xác định biến nào là biến nội sinh, ngoại sinh để đưa vào cho phù hợp. Bài này sẽ hướng dẫn các bạn nhé.

Định nghĩa

Trong mô hình kinh tế, một biến được gọi là biến nội sinh nếu nó chịu tác động của các biến khác trong mô hình, và biến được gọi là ngoại sinh (exogenous variable) nếu nó không chịu tác động của các biến khác trong mô hình.

Như vậy, biến phụ thuộc dĩ nhiên là biến nội sinh. Do nó chịu tác động của các biến độc lập.

Còn biến độc lập thì sao? Nó là biến nội sinh hay ngoại sinh thì còn tùy vào tình huống nghiên cứu. Sau đây là một ví dụ:
Chẳng hạn xét mối quan hệ giữa sản lượng lúa SANLUONG của một tỉnh và mức giá lúa MUCGIA cũng như lượng mưa LUONGMUA tại vùng đó. Khi đó có thể biểu diễn mối quan hệ này bởi mô hình:

SANLUONG = f(MUCGIA, LUONGMUA).


Trong mô hình này, biến SANLUONG là biến nội sinh do nó chịu tác động của biến MUCGIA, LUONGMUA.
Trong các biến ở vế phải của mô hình, lượng mưa LUONGMUA là biến ngoại sinh (exogenous) – do nó không chịu tác động của các biến khác trong mô hình( dĩ nhiên rồi, vì mưa do trời mà…)
Với biến MUCGIA thì phức tạp hơn một chút, thể hiện trong 2 tình huống sau đây:

  1. Tình huống 1: Tỉnh này chỉ chiếm một thị phần không đáng kể trên thị trường lúa gạo. Khi đó việc gia tăng sản lượng SANLUONG của nó sẽ không làm ảnh hưởng đến mức giá MUCGIA, và do đó biến MUCGIA được xem là biến ngoại sinh.
  2. Tình huống 2: Tỉnh này chiếm thị phần lớn trên thị trường lúa gạo thì việc gia tăng SANLUONG sẽ có tác động đến MUCGIA, khi đó MUCGIA sẽ là biến nội sinh.

Như vậy, một biến có thể là nội sinh trong mô hình này nhưng lại là ngoại sinh trong mô hình khác, tùy thuộc vào điều kiện và phạm vi xem xét của mô hình. Khi xây dựng các mô hình kinh tế thì việc xác định biến nội sinh và ngoại sinh là khá quan trọng

Comments